* Đại dịch COVID vẫn đang kéo dài, và nhu cầu tiêm chủng vẫn còn nhiều.
* Hoạt động kinh doanh của Pfizer đã mang lại nguồn doanh thu mới từ vaccine lên đến hàng hàng tỷ USD.
* Cổ phiếu Pfizer vẫn chưa hấp thụ trước giá trị của làn sóng này, do đó năm 2022 sẽ rất hứa hẹn.
Pfizer (NYSE:PFE) là hãng dược phẩm dẫn đầu trong ngành, chuyên phát triển các liệu pháp điều trị COVID kể từ khi đại dịch bắt đầu. Mặc dù thật không may khi cả thế giới phải tiếp tục đối phó với nhiều chủng virus khác nhau, gần đây nhất là biến thể omicron, nhưng các sản phẩm của Pfizer vẫn thu hút nhu cầu cao, mà điều này có thể sẽ thúc đẩy kết quả kinh doanh năm 2022 của công ty.
Bài viết dưới đây sẽ nêu một vài số liệu để cho thấy các liệu pháp điều trị của Pfizer đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh của họ trong năm nay như thế nào và lý do tại sao xu hướng này có thể tiếp tục kéo dài sang năm 2022, khiến Pfizer trở thành cổ phiếu chắc thắng trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ trong năm sau.
Nhu cầu liên quan đến các liệu pháp điều trị COVID vẫn rất cao
Đã khoảng một năm kể từ khi các liều vaccine COVID đầu tiên được sản xuất tại Mỹ, và cuộc đua này chủ yếu xoay quanh việc tăng cường sản xuất và phân phối liều. Nhiều hãng dược cũng đã thử phát triển vaccine Covid, nhưng thị trường này cuối cùng chỉ có hai công ty thống trị. Phần lớn liều dùng được sử dụng ở Mỹ là từ Pfizer và Moderna, hai công ty đã phát triển vaccine bằng công nghệ mRNA.
Pfizer và Moderna chuyên sản xuất vaccine mRNA, sử dụng mã di truyền từ virus để kích hoạt cơ thể người tạo ra phản ứng kháng thể. Cơ chế hoạt động của vaccine là đưa ra các hướng dẫn để hệ thống miễn dịch tạo ra các protein dạng gai.
Các loại vaccine truyền thống thì sử dụng một dạng virus đã bị làm suy yếu để dạy cho cơ thể chống lại chúng. Về cơ bản điều này cũng giống như cách cơ thể phát triển khả năng miễn dịch khi người bệnh bị mắc thủy đậu, nhưng do virus suy yếu nên cũng không thực sự khiến họ bị bệnh. Cả hai loại vaccine đều đạt được kết quả tương tự, nhưng các công ty dược phẩm này có thể sao chép mã di truyền để sản xuất nhanh chóng và dễ dàng hơn so với chính virus thực tế.
Nhu cầu tiêu thụ vaccine đã tăng lên, chủ yếu là do virus có khả năng đột biến thành các biến thể mới. Vaccine Pfizer ban đầu được chỉ định theo phác đồ điều trị hai liều, nhưng khi các biến thể mới xuất hiện, nhiều người đã được tiêm thêm mũi thứ ba (hay còn gọi là tiêm nhắc lại). Dự báo ban đầu của Pfizer cho năm 2021 là 1,3 tỷ liều, tuy nhiên, rốt cuộc họ đã sản xuất khoảng 3 tỷ liều vào năm 2021. Ban lãnh đạo của hãng hiện dự báo rằng Pfizer sẽ sản xuất khoảng 4 tỷ liều vào năm 2022.
Lợi nhuận bội thu cho Pfizer
Đây sẽ là khoảng thời gian bi thương và đầy thử thách đối với toàn xã hội khi đại dịch vẫn tiếp tục kéo dài, nhưng vị trí dẫn đầu của Pfizer đã mang lại lợi ích to lớn cho công ty này. Thứ nhất, doanh số bán vaccine thực tế của họ là rất lớn, dự kiến đóng góp đến 36 tỷ USD cho doanh thu năm 2021. Để các nhà đầu tư chứng khoán hình dung rõ hơn, mức doanh thu của Pfizer vào năm 2020 vốn đã là 41,9 tỷ USD. Điều đó có nghĩa là sản phẩm vaccine COVID đã nâng cao gần gấp đôi giá trị doanh nghiệp của Pfizer.
Hơn nữa, đây còn là một mùa bội thu đối với Pfizer. Biên lợi nhuận trước thuế và lãi vay của công ty, hay còn được gọi là tỷ suất lợi nhuận EBIT, đã tăng lên trong năm qua khi mảng kinh doanh vaccine tăng trưởng. Công ty này cũng đã tăng đáng kể dòng tiền tự do lên hơn 29 tỷ USD trong 12 tháng qua so với 11,6 tỷ USD vào năm 2020. Dòng tiền tự do càng cao thì hoạt động kinh doanh càng trở nên mạnh mẽ hơn, mang lại cho Pfizer nhiều tiền mặt hơn để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, trả cổ tức nhiều hơn, hoặc củng cố bảng cân đối kế toán.
Khi biến thể omicron lan rộng, có vẻ như dịch COVID sẽ không biến mất hẳn trong tương lai gần. Pfizer gần đây đã phát triển một loại thuốc kháng virus đường uống nhằm giúp điều trị các triệu chứng COVID giai đoạn đầu. Ban lãnh đạo hãng ước tính sẽ sản xuất 80 triệu liệu trình điều trị vào năm 2022. Mặc dù hiện nay giới đầu tư chứng khoán chủ yếu đang tập trung vào 12 tháng tới, nhưng Pfizer có khả năng sẽ kinh doanh các liệu pháp điều trị COVID trong nhiều năm về sau.
Cổ phiếu PFE vẫn hấp dẫn
Giới đầu tư đã tưởng thưởng cho thành công của Pfizer trong mảng COVID. Cổ phiếu này đã tăng 56% trong năm qua, và đây là một bước tiến lớn đối với một công ty có mức vốn hóa thị trường khổng lồ lên đến 329 tỷ USD. Tuy nhiên, có vẻ như thị trường chưa đánh giá đúng mức giá trị của Pfizer.
Tỷ suất dòng tiền tự do là một đại lượng dùng để định giá một cổ phiếu nào đó bằng mức dòng tiền tự do mà nhà đầu tư nhận được trên mỗi cổ phiếu. Tỷ lệ này phản ánh phần trăm giá cổ phiếu được chuyển thành dòng tiền tự do cho nhà đầu tư. Đối với cổ đông, họ sẽ muốn có dòng tiền tự do nhiều nhất có thể khi rót vốn mua cổ phiếu vì nguồn tiền này dùng để trả cổ tức, tài trợ cho các sản phẩm mới và nói chung là tạo ra giá trị cho các cổ đông, tựa như một “nguồn sống” của doanh nghiệp. Các khoản mục kế toán hoặc phi tiền mặt có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận, do đó, dòng tiền tự do có thể là một góc nhìn mới cho quá trình định giá cổ phiếu.
Theo hình minh họa ở trên, có thể thấy rằng việc Pfizer gia tăng dòng tiền tự do trong năm nay đã khiến tỷ suất này tăng do dòng tiền tự do tăng nhanh hơn giá cổ phiếu. Hiện tại, giá cổ phiếu đã bắt đầu tăng, tỷ suất dòng tiền tự do đang giảm xuống, nhưng con số này vẫn ở gần mức cao nhất trong nhiều năm qua, ngụ ý rằng cổ phiếu PFE hiện đang “đáng đồng tiền bát gạo” hơn so với hầu hết quãng thời gian mười năm qua. Nói cách khác, Pfizer vẫn đang có giá rẻ. Khi dịch COVID vẫn còn tồn tại dai dẳng thì Pfizer sẽ vẫn còn thành công vào năm 2022.
Theo fool
Nếu học viên thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, vui lòng chuyển khoản học phí vào thông tin tài khoản bên dưới.
Ngân Hàng Quân Đội MB Bank
Công Ty Cổ Phần Đầu Tư - Đào Tạo Quốc Tế
Số TK: 1161 1666 68888