Sau khi đã kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ từ vaccine Covid, Pfizer dự kiến sẽ thu về khoảng 17 tỷ USD từ liệu pháp thử nghiệm Paxlovid trong năm 2022, theo phân tích của Airfinity Ltd. Trong khi đó, Merck sẽ đạt doanh thu khoảng 2,5 tỷ USD từ molnupiravir vào năm tới.
Nhu cầu tiêu thụ thuốc có khả năng sẽ vượt quá nguồn cung khi dịch Covid lan rộng trên toàn cầu và các nhà khoa học đã đặt câu hỏi về độ hiệu quả của vaccine và các liệu pháp điều trị kháng thể trước biến chủng omicron và các biến thể khác. Việc các nước giàu “mua gom hàng” đã làm dấy lên quan điểm lo ngại rằng sau khi các nước nghèo phải chật vật để có được vaccine, họ có thể sẽ bị bỏ lại phía sau một lần nữa, bất chấp các thỏa thuận cấp phép đã được ký kết để nâng cao khả năng cung cấp thuốc.
Pfizer và Merck đã đồng ý cho phép các nhà sản xuất thuốc gốc được sản xuất các phiên bản thuốc rẻ tiền của họ cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Charles Gore, giám đốc điều hành của Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn cho biết, các thỏa thuận đó có thể giúp đảm bảo rằng nguồn cung sẽ bắt đầu được đáp ứng cho các nước nghèo trong vòng vài tháng tới.
Hai nhà sản xuất thuốc trên đã chỉ ra một loạt các bước mà họ đã thực hiện để nâng cao khả năng tiếp cận sử dụng các liệu pháp điều trị của họ trên toàn cầu.
Merck kỳ vọng liệu pháp molnupiravir sẽ được cấp ở các quốc gia có thu nhập cao, trung bình và thấp gần như đồng thời, theo thông tin mà hãng chia sẻ trong một bức email. Công ty cho biết họ đã dành ít nhất 3 triệu liệu trình để cung cấp cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong nửa đầu năm 2022 và dự kiến 3 triệu liệu trình thuốc gốc nữa sẽ được sản xuất thông qua các thỏa thuận cấp phép trong cùng thời gian.
Theo hội đồng bằng sáng chế, mỗi loại thuốc trên đã thu hút hơn 100 đơn đăng ký cấp phép, và không rõ có bao nhiêu nhà sản xuất thuốc gốc sẽ nhận được giấy phép. Khi các công ty thuốc gốc này được cấp phép, họ sẽ cần trải qua các bước bao gồm: sản xuất thuốc, thực hiện các nghiên cứu để cho thấy thuốc của họ đạt hiệu quả tốt như phiên bản gốc và nộp hồ sơ để được cơ quan quản lý phê duyệt.
Nhiều người vẫn còn lo lắng về thời lượng cần thiết để nguồn cung thuốc được phân phối đến các nước. Các nhà vận động y tế đã ra sức kêu gọi các bên nỗ lực hơn nữa để nâng cao khả năng tiếp cận nguồn cung thuốc, bao gồm cả việc tăng cường xét nghiệm ở các quốc gia có thu nhập thấp để phát hiện các ca nhiễm ngay trong những ngày đầu tiên, khi thuốc có hiệu quả cao nhất.
Mục tiêu của Pfizer là cung cấp liệu pháp kháng virus đường uống cho những bệnh nhân cần thuốc nhất càng sớm càng tốt và với giá cả phải chăng, tùy thuộc vào sự đồng ý của cơ quan quản lý cấp quốc gia, phát ngôn viên Sharon Castillo cho biết. Khi được yêu cầu bình luận, Merck vẫn chưa đưa ra câu trả lời ngay.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng Mười, Chủ tịch Trevor Mundel của đơn vị y tế toàn cầu tại Quỹ Bill & Melinda Gates cho biết một số nhà sản xuất thuốc gốc khẳng định rằng họ có thể sản xuất tới 10 triệu viên thuốc Covid mỗi tháng.
Thuốc Paxlovid của Pfizer có khả năng trở thành liệu pháp điều trị tiêu chuẩn cho những bệnh nhân Covid có nguy cơ phát triển thành bệnh nặng. Các công trình nghiên cứu cho thấy loại thuốc này có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn khả năng nhập viện nhưng kém hơn trong việc triệt tiêu các triệu chứng nhẹ, thường xuất hiện ở các ca bị nhiễm dù đã tiêm vaccine.
Paxlovid có tiềm năng kéo dài đà thành công của Pfizer trên thị trường Covid. Cổ phiếu của công ty này đã tăng khoảng 65% trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ trong năm nay. Với sự hợp tác phát triển cùng đối tác BioNTech, vaccine của nhà sản xuất dược phẩm Hoa Kỳ chính là loại dược phẩm bán chạy nhất mọi thời đại trong vòng một năm nhất định và dự kiến sẽ mang lại doanh số hơn 36 tỷ USD vào năm 2021 và ít nhất 29 tỷ USD nữa vào năm 2022.
Trong thời kỳ đại dịch, Pfizer cho biết họ dự định sẽ áp mức giá bán theo bậc để các nước giàu sẽ phải trả nhiều tiền hơn các nước nghèo. Công ty cũng cho biết họ sẽ đầu tư tới 1 tỷ USD để hỗ trợ quá trình sản xuất và phân phối.
Cổ phiếu Merck đã sụt giảm vào tháng trước sau khi dữ liệu cho thấy thuốc molnupiravir do hãng này phát triển cùng Ridgeback Biotherapeutics LP kém hiệu quả hơn so với báo cáo trước đó và các cơ quan quản lý của Mỹ đã bày tỏ lo ngại về tính an toàn và hiệu quả lâu dài. Các nhà quản lý ở những cơ quan này cũng đề cập đến nguy cơ kháng thuốc, vốn sẽ xảy ra khi virus và vi khuẩn tiến hóa để làm suy yếu hoặc đánh bại cơ chế tấn công của thuốc.
Theo ước tính của Airfinity, Mỹ sẽ là khách hàng lớn nhất đối với hai loại thuốc trên, chiếm hơn một nửa doanh thu vào năm 2022, trong khi các nước châu Âu và Anh sẽ chi gần 5 tỷ USD. Doanh thu thuốc tại hơn 50 quốc gia khác được dự báo sẽ đạt mức 3,7 tỷ USD, không bao gồm hơn 100 quốc gia nằm trong các thỏa thuận cấp bằng sáng chế.
Trước tình hình lây lan của biến thể omicron, một số quốc gia đang gấp rút tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng thuốc. Vương quốc Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp thuận thuốc molnupiravir của Merck, và đang bắt đầu cung cấp cho người dân thông qua một cuộc nghiên cứu cấp quốc gia ở một nhóm khoảng 10.000 người.
Các nước giàu đã mua thuốc với số lượng nhiều hơn mức họ có thể cần trong bối cảnh tiềm ẩn rủi ro do các biến thể gây ra và nghi vấn xoay quanh độ hiệu quả của vaccine, theo Airfinity.
Pfizer cho biết các cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm chỉ ra rằng Paxlovid sẽ duy trì được độ hiệu quả chống lại chủng omicron. Loại thuốc này có chức năng nhắm đích vào một protein bên trong virus, được gọi là protease, được cho là ít thay đổi khi virus tiến hóa. Trong khi đó, các loại vaccine thì lại nhắm đích vào protein dạng gai, vốn bị đột biến rất nhiều ở chủng omicron và có thể sẽ phải được thay đổi nhiều khi xuất hiện các biến thể khác trong tương lai.
Admin Đăng Khoa
Nếu học viên thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, vui lòng chuyển khoản học phí vào thông tin tài khoản bên dưới.
Ngân Hàng Quân Đội MB Bank
Công Ty Cổ Phần Đầu Tư - Đào Tạo Quốc Tế
Số TK: 1161 1666 68888